Trang chủ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tầm quan trọng của sách, báo trong cuộc đời của Bác

26/03/2020 Số lượt xem: 835 In trang này

     Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong vô vàn những yếu tố tạo nên tầm vóc ấy không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của sách báo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn say mê, trân trọng và đánh giá cao vai trò của sách báo. Theo Người “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”“Sách là thuốc chữa tội ngu” cho dân tộc đó.

 

Bác Hồ đọc sách tại chiến khu  (Ảnh tư liệu)       

     Sinh ra trong một gia đình nho giáo, tuổi thơ của Bác đã gắn liền với việc học hành và sách vở. Với quan điểm “Dưỡng tử giáo độc thư. Thư trung hữu kim ngọc” (Nuôi con phải biết dạy con đọc sách vì trong sách có vàng ngọc), nhà nho chân chính Nguyễn Sinh Sắc luôn nhắc nhở con: “Học phải có sách”, “ngày nào chưa đọc được 10 trang sách là ngày đó phải nhịn đói…”. Luôn ghi nhớ lời dạy của cha, tuổi thơ của Bác luôn chọn sách vở là người bạn tâm giao. Chính những cuốn sách ấy đã nhen nhúm lên trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung lòng yêu nước và cảm nhận được nỗi đắng cay của người dân mất nước.

     Năm 17 tuổi, tại trường Quốc học Huế, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành với tinh thần say mê đọc sách đã tìm tòi và tiếp cận được với những cuốn sách tiến bộ, tầm hiểu biết của Người được mở rộng. Với những tư tưởng mới đã tiếp thu được, Người thấy phải nhanh chóng tìm ra 1 con đường để giải phóng dân tộc mình.

     Trong bước đường hoạt động cách mạng, Bác luôn mang theo sách báo bên mình. Hình ảnh anh Ba, lúc đó là phụ bếp trên tàu, sau khi xong việc đã đọc và viết tới nửa đêm hay hình ảnh 1 thanh niên gày gò tay cầm cây bút và quyển sách lúc buổi sáng tại vườn hoa Hyađơ luôn đọng lại trong ký ức của nhiều người. Chính nhờ có sách báo đã đưa Người tiếp cận được với “Bản luận cương của Lê Nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” và giúp Bác tìm ra con đường để giải phóng cho dân tộc.

     Khi tuổi cao và bề bộn công việc của một Chủ tịch nước, Người vẫn giữ thói quen đọc sách báo – một công việc trở thành nhu cầu, nếp quen sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu được. Đối với Bác đọc sách, báo không chỉ nhằm nâng cao hiểu biết mà còn để nắm bắt thông tin đất nước qua sách báo ta, bạn bè và kẻ thù. Thời gian Bác khoẻ, Người đọc báo, tin tức vào ban ngày, buổi tối Người đọc sách. Tuổi Bác ngày càng cao, để bảo vệ giữ gìn đôi mắt Bác, Văn phòng Phủ Chủ tịch cử các đồng chí phục vụ Vũ Kỳ, Cù Văn Chước, Lê Hữu Lập… đọc sách, báo cho Bác nghe.

      Bác Hồ đã đi xa, nhưng thăm nhà sàn của Bác ta vẫn thấy còn lại những kỷ vật của Người. Đó là những cuốn sách, báo trên bàn làm việc Người đang đọc vào những ngày cuối cùng, đó là một giá sách được đặt vào vách ngăn giữa hai phòng với nhiều loại sách thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trong đó có nhiều cuốn sách được bạn bè trong và ngoài nước kính tặng được Bác trân trọng và quý mến. Kỷ vật ấy, tài sản ấy như minh chứng cho một tấm gương cao đẹp tinh thần tự học và học tập suốt đời của Người./.

 

Bình luận

Trần Đình Trường